Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam.

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ NGHỀ TUẦN ĐƯỜNG

Thứ Ba, 01/09/2020, 14:13

Có lẽ không có nghề nào phải đi bộ và nhọc nhằn như nghề tuần đường - phải cuốc bộ hàng chục cây số, kiểm tra từng thanh ray, ốc vít...

Anh Nguyễn Đình Mài đi tuần đường trên cung đường sắt Biên Hòa
   Có nhiều công việc khác nhau liên quan đến ngành Đường sắt, nhưng công việc lặng lẽ và cô độc nhất phải kể đến là tuần đường. Có lẽ không có nghề nào phải đi bộ và nhiều nhọc nhằn như nghề đi tuần đường sắt. Nhờ có nhân viên tuần đường nên những chuyến tàu được đảm bảo an toàn khi lưu thông.
   2 ngày trải nghiệm làm “bác sĩ” khám bệnh ray xe lửa
   Buổi sáng trời mưa lất phất, bầu trời u ám do ảnh hưởng cơn bão số 2, chúng tôi vừa đặt chân đến khu vực nhà ga Biên Hòa (Đồng Nai). Anh Lê Ngọc Hoàng, Đội trưởng Đội đường sắt Biên Hòa cho biết Đội quản lý 9 cung đường sắt từ TP Biên Hòa đến Dầu Giây (huyện Thống Nhất) với chiều dài 48 cây số.
   Để đảm bảo an toàn chạy tàu có 5 tổ tuần đường với 20 nhân viên có trách nhiệm thường xuyên tuần tra để kịp thời phát hiện hư hỏng, sự cố về đường ray để báo về cung trưởng kịp thời xử lý.
Trên tuyến đường sắt có cầu Rạch Cát được xem là... cụ cầu, hơn 100 tuổi. Đây là cây cầu yếu được đội bố trí một tổ thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Tổ tuần đường cung Biên Hòa hiện nay có tất cả 4 thành viên. Một ngày chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, cứ vậy mà luân phiên nhau đi tuần. Cả đi và về mỗi người hết thảy hơn chục cây số/lần tuần tra.
 
​Nhân viên Trịnh Đình Định kiểm tra an toàn đường ray trên cung đường sắt Dĩ An
   Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Đình Mài (49 tuổi), công nhân tuần đường cao tuổi nhất ở đây. Khoác túi đồ nghề lên vai, anh thong thả đưa chúng tôi theo... học nghề. Trong chiếc túi anh mang nào là cờ lê, mỏ lết, ốc vít, quả pháo, cờ, nhật ký tàu, thẻ, áo mưa, chai nước uống... Không nặng lắm nhưng với hành trình đi về hơn chục cây số, phải là người có đôi chân khoẻ và dẻo dai mới mang được.
   Ngay từ những mét đường đầu tiên, anh Mài đã quan sát rất kỹ. Từng đoạn ray, từng thanh tà-vẹt, những con bu lông... tất cả đều được để mắt. Những hư hỏng nhỏ thì người thợ tuần đường sửa ngay tại chỗ.
   Gặp chướng ngại vật, sự cố hư hại lớn thì người tuần đường đóng vai trò là CSGT, được quyền quyết định bắn pháo dừng tàu trong lúc chờ xử lý để bảo đảm an toàn. Cảm nhận trong suốt chuyến đi tuần trong tôi là tuyến đường sắt vô tri, nhàm chán nhưng với anh Mài, con đường là người bạn đồng hành thân thiết với anh.
   Vừa đi, anh Mài vừa vui vẻ kể chuyện nghề. Anh đã gắn bó với nghề tuần đường được hơn 23 năm, công việc tuần đường ngoài việc mưu sinh đòi hỏi phải yêu nghề thì mới làm được, anh em hay gọi vui với nhau là “bác sĩ khám bệnh đường ray xe lửa".
   Trước đây anh làm tuần đường trên cung đường Tánh Linh (Bình Thuận) gắn bó với núi rừng, tận mắt thấy voi, khỉ… băng qua lại đường sắt. Những lúc đó, người tuần đường rất vui vì ít nhất cũng có chút hơi thở cuộc sống giữa đêm đen cô tịch.
   “Cách đây 2 năm, trong lúc đi tuần qua phường Bửu Hòa, tôi phát hiện một thanh niên đang tháo phụ kiện đường ray. Ngay lúc đó tôi áp sát quật ngã tên trộm, ghì chặt đối tượng xuống rồi gọi điện thoại cho cung trưởng để bàn giao cho công an xử lý", anh kể.
   Một kỷ niệm nhớ đời nữa với Mai là vụ đôi nam nữ... nằm ngủ say trên đường ray giữa đêm khuya vắng. "Khi tôi tuần tra đã kịp thời đánh thức để hai người này kịp vùng chạy thoát lúc đoàn tàu chỉ còn khoảng vài trăm mét. Sau giây phút thất thần, hai bạn trẻ rối rít cảm ơn mình”, anh Mài kể lại, mắt lấp lánh niềm vui.
   Trong suốt hành trình, người công nhân tuần đường còn vệ sinh cho đường ray: nhặt vỏ hộp sữa, bao ni lông, rác bị kẹt..., không để có bất cứ chướng ngại vật nào. Tại Km 1698, một hộ dân đang sửa chữa nhà để vật liệu nhiều tấm đan lấn sát ra đường tàu, anh Mài nhắc nhở chủ nhà dọn dẹp vật liệu gạch đá ra khỏi hành lang an toàn.
   Chủ nhà liền xin lỗi và vui vẻ chấp hành. Anh Mài cho biết không phải lúc nào cũng vậy, có nhiều người không hợp tác hoặc khó chịu khi bị nhắc nhở.
   Khoảng 1h sau cách gác chắn Km 1696+458 khoảng 300m, đã nghe tiếng đoàn tàu từ xa, người công nhân tuần đường tự tin dùng cờ hiệu giơ cao, thông báo đoạn đường an toàn.
   Đoàn tàu vừa đi qua những bước chân của người tuần đường vẫn rảo bước trên đường ray. Khi đi hết quãng đường 3km đến gác chắn, đôi bàn chân tôi đã bắt đầu mỏi mệt, ba lô mang máy ảnh trĩu nặng trên vai, mồ hôi vã ra như tắm… Đó là chỉ mới 3km. Người tuần đường phải đi hết lộ trình, cả đi về hơn 10km.
   Trước đó, chúng tôi cũng đã có dịp đi "học việc" cùng nhân viên thuộc tổ tuần đường ga Dĩ An (Bình Dương), anh Trịnh Đình Định (40 tuổi), có thâm niên công tác được 16 năm. Trong suốt quãng đường sắt dài gần 4km từ ga Dĩ An đến giáp ranh với TP. Biên Hòa, chúng tôi được nghe anh kể những tâm sự buồn vui trong nghề.
   Anh Định cho hay công việc hàng ngày của người tuần đường như một bộ máy được lập trình sẵn, tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai nhanh nhạy ứng phó trước những sự cố có thể xảy ra bất ngờ trên đường ray.
   “Dù công việc đơn điệu nhưng mình vẫn yêu nghề và không thấy nhàm chán. Hai vợ chồng đều làm chung ngành Đường sắt, có thời điểm khó khăn vợ tôi nói hay anh chuyển nghề khác nhưng mình thấy công việc đã quen và niềm vui khi thấy những chuyến tàu an toàn nên tôi không bỏ nghề, dù vất vả”, anh Định trải lòng.
   Cứu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần
   Ngày qua ngày, dù là ngày nắng chang chang hay đêm mưa bão, nhân viên tuần đường vẫn rảo bước, từng nhịp từng nhịp với khung đường sắt 24/24h để đảm bảo an toàn tàu chạy.
   Bên cạnh nhưng nhân viên tuần đường, các đội duy tu bảo trì tuyến đường sắt đảm bảo đường sắt Bắc - Nam luôn thông suốt thì các nhân viên gác chắn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các đoạn đường sắt qua các thành phố, khu đô thị càng không thể thiếu các nhân viên gác chắn, họ vẫn ngày đêm canh gác các điểm giao cắt đường sắt để đảm bảo hoạt động chạy tàu luôn được thông suốt.
 
 Anh Trần Văn Năm - nhân viên gác chắn
   Tại gác chắn Km 1696+458 (TP. Biên Hòa), chúng tôi gặp anh Trần Văn Năm (49 tuổi) khi anh vừa tiễn một đoàn tàu đi qua. Mới đây, anh Năm đã cứu sống một người. Hôm đó có một người đàn ông băng ngang khi tàu lửa gần đến, anh Năm lao mình vào hất văng người đàn ông thoát khỏi mũi đoàn tàu đang lao qua...
   "Lúc đó thanh chắn đã được hạ xuống, tôi thấy người đàn ông trung niên có biểu hiện say xỉn băng qua đường ngang. May mà tôi phản ứng kịp. Nhưng trách nhiệm của mình là đảm bảo những chuyến tàu ngược xuôi được an toàn, chuyện cứu được người là chuyện bình thường chứ không phải chuyện to tát”, anh Năm chậm rãi nói.
   Đây không phải lần đầu nhân viên gác chắn Biên Hòa bất chấp nguy hiểm lao tới cứu người ngay trước mũi tàu. Tháng 2/2019, tại cung chắn Hãng Dầu (phường Quyết Thắng), hai nhân viên gác chắn gồm chị Nguyễn Thị Minh (36 tuổi) và Đỗ Thị Lan (33 tuổi) đã kịp thời kéo một cụ bà hơn 70 tuổi bị té ngã trên đường ray khỏi mũi tàu lửa, thoát chết trong tích tắc.
   Chị Minh theo nghề gác chắn được 14 năm. Chị nói nghề gác chắn cũng rất vất vả, đòi hỏi mức an toàn tối đa trong nghề. Tuy nhiên một số người dân ý thức tham gia giao thông còn hạn chế, khi đóng gác chắn nhiều người đi xe máy vẫn cố tình lao qua, tình trạng chửi bới thậm chí hành hung nhân viên chắn vẫn xảy ra khiến những người làm nghề đôi cũng buồn, cũng tủi.
   Năm 2018, khi chị đang đóng chắn, một thanh niên có dấu hiệu say xỉn vẫn lao xe tới đâm vào khiến thanh chắn va vào đầu chị, giờ vết sẹo trên trán vẫn còn.
   Nói về nỗi niềm trong nghề, những người gác chắn hoặc tuần đường cũng có chút ưu tư. Ai cũng bảo vất vả thì đành rồi, chịu được nhưng mong mỏi nhất là ý thức giao thông của người dân phải được nâng lên. Khi đó, những người tuần đường, gác chắn thấy công việc của mình được chia sẻ rất nhiều.
    Mỗi ngày trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn giòn giã tiếng bánh sắt trên đường ray. Mỗi chuyến tàu đi đến nơi - về đến chốn an toàn luôn có giọt mồ hôi nhọc nhằn của những người công nhân thầm lặng...
                                                                                                                     Theo Vĩnh Phú - Báo Giao thông
 
 
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

...

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5