Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TẠM HOÃN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Thứ Tư, 25/08/2021, 15:17

Thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến việc làm của NLĐ. Trước thực tế đó, tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) đã thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định của pháp luật. Công đoàn ĐSVN thông tin những điều NLĐ cần biết khi thực hiện tạm hoãn HĐLĐ

   1. Tạm hoãn HĐLĐ là việc tạm dừng thực hiện HĐLĐ trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa hai bên hoặc theo quy định của pháp luật. 
   Việc tạm hoãn HĐLĐ sẽ không bị hủy bỏ hay mất hiệu lực HĐLĐ đã ký kết giữa NSDLĐ và NLĐ.
   Khi thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, NSDLĐ (Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền) và NLĐ (người đang làm việc theo chế độ HĐLĐ và đóng đủ BHXH đến trước thời điểm tạm hoãn) phải ký văn bản thỏa thuận để thống nhất về thời gian tạm hoãn, lý do tạm hoãn, quyền, trách nhiệm, lợi ích của hai bên cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.
   2. Quyền, nghĩa vụ của các bên khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ: 
   a) Trong thời gian tạm hoãn:
   Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (Theo khoản 2 Điều 30 BLLĐ 2019). 
   Nếu người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội,  trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (Theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 4 Điều 42 văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
   Trường hợp có những quy định mới của cấp có thẩm quyền tại thời điểm thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ thì thực hiện theo quy định mới trên nguyên tắc thỏa thuận theo hướng có lợi nhất cho NLĐ. 
   b) Sau khi tạm hoãn:
   Theo Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 quy định quyền và nghĩa vụ các bên “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”. 
   * Đối với người lao động: 
   - Phải có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn theo thỏa thuận;
   - Trường hợp không thể có mặt tại nơi làm việc đúng thời hạn thì phải thỏa thuận với NSDLĐ về thời điểm có mặt.
   * Đối với người sử dụng lao động:
   - Phải nhận NLĐ trở lại làm việc;
   - Bố trí công việc theo hợp đồng đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn;
   c) Một số lưu ý:
   - Nếu hai bên có thỏa thuận về công việc mới cần sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
   - Nếu không nhận lại NLĐ trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (trừ trường hợp NSDLĐ và NLĐ có thỏa thuận khác) NSDLĐ sẽ bị phạt hành chính với mức tiền từ 03 - 07 triệu đồng (Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động.

                                                                                Ban TGCSPL
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

...

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5