Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH BỆNH COVID-19

Thứ Năm, 01/07/2021, 12:26

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ, cụ thể về chế độ nghỉ, hỗ trợ đối với trường hợp người lao động bị cách ly, giãn cách xã hội vì bệnh dịch Covid-19. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể; để hỗ trợ, đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động đã và đang bị cách ly, giãn cách, ngừng việc vì dịch bệnh, Công đoàn ĐSVN hướng dẫn các cấp công đoàn chủ động phối hợp nghiên cứu các quy định của pháp luật, điều kiện cụ thể của đơn vị, doanh nghiệp để phổ biến, tuyên truyền cho NLĐ hiểu, đồng thời đề xuất, kiến nghị, phối hợp với người sử dụng lao động để thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động như sau:

   I. Đối tượng tác động:
   1. Cấp có thẩm quyền: 
   Cấp có thẩm quyền bao gồm cá nhân và tổ chức; trong quá trình điều hành liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cấp có thẩm quyền sẽ đưa ra những quyết định, thông báo, chỉ thị bằng văn bản để chỉ đạo, điều tiết công việc cụ thể.
   2. Đối tượng khác:
   Là những đối tượng có liên quan đến dịch bệnh Covid-19, chịu sự quản lý, điều hành của cấp có thẩm quyền; bao gồm: doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan và người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
   II. Về chế độ chính sách:
   1. Các đối tượng phải cách ly, giãn cách xã hội theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, ngừng việc vì dịch bệnh Covid-19:
   - Người lao động là đối tượng F0  phải cách ly y tế tập trung để chữa bệnh;
   - Người lao động là đối tượng F1 phải thực hiện cách ly y tế tập trung,hoặc cách ly tại nhà có điều kiện kèm theo;
   - Người lao động là đối tượng F2 phải thực hiện cách ly y tế tập trung, tại nhà;
   - Người lao động là đối tượng khác phải thực hiện giãn cách xã hội;
   - Người lao động thuộc các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp không hoạt động được vì các lý do khách quan liên quan đến Covid-19 mà phải ngừng việc.
   1.1. Trường hợp phải ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Lựa chọn 1 trong các phương án sau:
   * Phương án 1: Thỏa thuận với người lao động (là F1, F2 và các đối tượng khác phải ngừng việc) để trả lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu:
   - Căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động:“a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu”.
   - Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng Nghị định số 90/2019/NĐ-CP): Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.
   - Đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo các quy định sau:
   + Tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định: “5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động” được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương;
   + Tại Khoản 6 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
   “6. Trong thời gian người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc”.
   + Căn cứ Khoản 8 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định:
   “8. Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.”
   * Lưu ý:
   - Người lao động là các đối tượng tại Khoản 1 nêu trên sẽ không được trả lương ngừng việc nếu có hành vi trực tiếp gây ra lỗi dẫn đến phải cách ly hoặc giãn cách xã hội. Việc xác định lỗi này được thực hiện bởi văn bản của cấp có thẩm quyền (ví dụ: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định khởi tố bị can,...);
   - Người lao động phải giãn cách xã hội theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền vẫn làm việc qua mạng (online) bình thường thì NSDLĐ thực hiện trả lương và các chế độ khác theo quy định.
   * Phương án 2: Thỏa thuận với người lao động (là F1, F2 và các đối tượng khác phải ngừng việc) để thực hiện chế độ nghỉ hàng năm theo quy định:
   - Khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019:“4.Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.”
   - Điều 113 Bộ luật lao động 2019: trong thời gian nghỉ hằng năm, người lao động được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động nghỉ hằng năm.
   - Khoản 9, Điều 65, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định:“9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động” được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
   - NSDLĐ thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ theo quy định (tương tự như Phương án 1 nêu trên).
   1.2.Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc:
   * Phương án 1: Căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể, đề xuất người sử dụng lao động trả lương cho các đối tượng (là F1, F2 và các đối tượng phải ngừng việc khác) theo Điểm b,Khoản 3, Điều 99, Bộ luật lao động 2019: “b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
   - Đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo các quy định tương tự như Khoản 1.1 nêu trên.
   * Phương án 2: Tạm ứng lương, bố trí người lao động (là F1, F2 và các đối tượng phải ngừng việc) làm bù vào các ngày trong năm.
   - Đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo các quy định tương tự như Khoản 1.1 nêu trên.
   * Phương án 3: Trường hợp do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể Thoả thuận tạm hoãn Hợp đồng lao động cho đến khi hết thời hạn cách ly, giãn cách xã hội.
   - Căn cứ Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động: “h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.”, không hưởng lương hoặc hưởng lương nếu hai bên có sự thỏa thuận. Trường hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ.
   * Lưu ý: Theo dõi, nắm bắt kịp thời các quy định của BHXH Việt Nam để phổ biến cho NLĐ, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
   2. Chi phí khám, điều trị cho người cách ly y tế tập trung (đối tượng F0, F1) được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 16/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; Văn bản số 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19) và các văn bản khác có liên quan. Theo đó, một số nội dung cơ bản được hướng dẫn như sau:
   2. 1. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế đang trong thời gian cách ly y tế tập trung do Covid-19 phải khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:
   - Ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Covid-19, bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
   - Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như đối với trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến, trừ chi phí tại điểm 1.1 khoản này;
   - Người có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
   2.2. Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:
   a) Người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
   b) Người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
   3. Đối với những trường hợp phát sinh khác, đơn vị đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
* Lưu ý: 
   1. Về BHXH đối với thời gian làm việc trong 1 tháng:
   - Điều 85, Luật BHXH: “3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”
   - Điều 86, Luật BHXH:“4. Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này.”
   - Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.
   Nếu trường hợp trong tháng làm việc, người lao động có từ 14 ngày làm việc trở lên không làm việc và cũng không hưởng lương thì BHXH  của tháng đó sẽ không phải đóng. Ngoại lệ đối với người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng.
   Như vậy, đối với trường hợp người lao động nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng, nếu người lao động không đi làm và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc/tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội (trừ một số ngoại lệ nêu trên).
   Tổ chức công đoàn căn cứ  quy định, đề xuất NSDLĐ áp dụng quy định  pháp luật phù hợp, đảm bảo có lợi cho người lao động.
   2. Về thẻ BHYT bảo đảm 5 năm liên tục:
   - Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”.
   “Người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến” (theo khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 và Điểm a, Khoản 1, Điều 14, NĐ 146/2018).
   Theo đó, thời gian gián đoạn tối đa quá 3 tháng sẽ mất 5 năm đóng liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi chi trả BHYT cho người lao động. 
   3. Về BHYT của NLĐ tạm hoãn HĐLĐ:
   Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định 
   “Điều 5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
   1. Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này.
   2. Người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3 , 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
   Tổ chức công đoàn phổ biến, hướng dẫn, tư vấn NLĐ tham gia theo Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (theo quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
 
BAN TGCSPL 
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

...

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5