Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam

NỮ CNVCLĐ XÍ NGHIỆP ĐẦU MÁY SÀI GÒN VỚI “TỰ HÀO ÁO DÀI PHỤ NỮ VIỆT NAM”

Thứ Tư, 05/05/2021, 18:10

Mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc đều có một nền văn hóa đặc sắc, mà phong tục tập quán, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, giọng nói là những nét riêng dễ nhận biết nhất. Sự khác biệt về trang phục đã đem đến cho mỗi dân tộc, quốc gia một diện mạo khác nhau và vô cùng phong phú, thể hiện được phần nào nét đẹp trong nền văn hóa lâu đời, trải qua hàng nghìn năm phát triển.

“Mảnh mai dáng liễu duyên đằm thắm
Tha thiết hồn xuân nghĩa đậm đà
Tơ lụa điểm tô trang tuyệt sắc
Gấm nhung trình diễn nét anh hoa”
(Trích “Áo dài truyền thống” – Nguyễn Thanh Tùng)
   Chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào: phụ nữ Nhật Bản với chiếc áo Kimono, phụ nữ Hàn Quốc với Hanbok, phụ nữ Trung Quốc có Sườn xám…Phụ nữ Việt Nam chúng ta hãnh diện với chiếc Áo Dài thướt tha, được trang trọng xem như quốc phục của Việt Nam, nên còn được gọi một cách hoa mỹ hơn "Chiếc Áo Dài Quê Hương".
 
 
 
   Tà áo dài duyên dáng thướt tha đã đi vào thơ ca, nhạc họa, làm say đắm bao trái tim làm du khách trầm trồ trước vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm nhưng không kém phần quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam. 
 
 
Một thoáng thảnh thơi
“Ở nơi xa anh có biết hay không
Nỗi nhớ anh mà lòng em quặn thắt
Chỉ mong sao sớm đến ngày giáp mặt
Để tình trao trong mắt lệ ướt nhòa”
(Trích “Chờ anh” – Nguyễn Xuân Trung)
   Nguồn gốc của áo dài Việt Nam đã có từ xa xưa, không ai có thể khẳng định chính xác là từ khi nào, chỉ biết rằng nó bắt nguồn từ chiếc áo tứ thân. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tà áo dài truyền thống Việt Nam với các hình thức thiết kế, màu sắc đa dạng và phong phú góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Áo dài chính là bản sắc văn hóa dân tộc; là đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt người phụ nữ Việt Nam. 
   Áo dài được may từ bằng vải có chất liệu mềm, nhẹ như gấm, lụa…, thiết kế với hai tà dài, phần trên ôm sát thân tôn dáng và đường cong, nét gợi cảm nhưng kín đáo, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài được mặc với quần ống rộng màu trắng hoặc cùng màu với họa tiết trên nền áo dài. Áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ em và mọi tầng lớp trong xã hội, nữ hay nam, người giàu hay người nghèo, trí thức hay bình dân …đều có thể mặc được. Ngày nay vào những dịp Lễ, Tết chúng ta dễ dàng bắt gặp những bé gái xinh xắn đáng yêu trong những bộ áo dài với màu sắc, họa tiết dễ thương, ngộ nghĩnh đi chúc Tết, đi chơi Lễ hay tham gia các hoạt động Lễ hội. Nữ sinh trong tà áo dài trắng tinh khôi. Các cô gái trẻ khi mặc áo dài thì lại càng tôn lên sự cân đối, nét quyến rũ, dáng vẻ uyển chuyển, mềm mại của mình. Phụ nữ trung niên thì tà áo dài tôn lên sự lịch lãm, sang trọng. Áo dài còn là trang phục của cô dâu, chú rể trong lễ cưới, là đồng phục làm việc hàng ngày của nhiều ngành nghề. Trong các cuộc thi sắc đẹp, áo dài cũng chiếm một phần quan trọng, nó tôn lên vẻ đẹp của cô gái dự thi. Đặc biệt, các người đẹp Việt Nam lựa chọn áo dài để ra mắt bạn bè năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, sự kiện văn hóa nghệ thuật; được trình diễn với sự tự hào dân tộc qua đó khẳng định với bạn bè quốc tế  “Tôi là người Việt Nam”.
 
   Nhằm tôn vinh áo dài và nét đẹp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động “Tuần lễ áo dài Việt Nam” vào tháng 3 hằng năm trên toàn quốc đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc .
   Hướng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam”, nữ công nhân viên chức lao động xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn đã đồng loạt mặc áo dài, tạo nên những bông hoa thắm sắc hương ngập tràn tại xí nghiệp. Tranh thủ những lúc đầu giờ, lúc nghỉ trưa, các chị em đến trước cổng cơ quan, đến các khuôn viên sạch sẽ, những hàng cây xanh mướt, thoáng mát và trong lành để lưu lại những hình ảnh đẹp của mình. Tại nhiều nơi, chị em còn khéo léo kết hợp giữa hoạt động tôn vinh tà áo dài truyền thống với việc lưu lại những hoạt động sản xuất hàng ngày tại đơn vị. 
 
 
 
Em và sen
 “Bàn tay ai đưa đón những búp sen
Nắng chiếu qua làn sương hồng lên như lửa 
Lửa chuyền lên môi lửa chuyền lên má
Cho nụ cười tỏa sáng cả rừng hoa”
   Những ngày Lễ, Tết là những ngày gia đình đoàn tụ sum vầy nhưng chị em phụ nữ Xí nghiệp Đầu máy sài Gòn – những người vợ của các anh lái tàu lại tiễn chồng lên đường, rong ruổi theo những chuyến tàu làm nhiệm vụ, có chút buồn, nhớ thương, nhưng trên hết là niềm tự hào về người chồng của mình, người đồng nghiệp của mình.Sự hy sinh thầm lặng hòa cùng công việc hàng ngày, trong làm dâu thảo, làm mẹ hiền, làm vợ đảm để chăm sóc con ngoan, học giỏi, đề các anh yên tâm thêm vững tay lái, hoàn thành nhiệm vụ và hạnh phúc khi trở về gia đình. 
 
Lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn và chị em trong tà áo dài 
kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
    Cũng phải nói đến sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo Xí nghiệp luôn quan tâm đến môi trường làm việc cho người lao động như tạo khuôn viên sạch sẽ, trồng những hàng cây xanh giúp cho không khí thoáng mát và trong lành, là nơi các chị em phụ nữ vui chơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển Xí nghiệp, chị em phụ nữ Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn vinh dự, tự hào những công sức nhỏ bé, cùng CNVCLĐ Xí nghiệp vượt qua mọi khó khăn, đưa Xí nghiệp ngày càng đi lên và phát triển.
                                                                              Ban Nữ công Xí nghiệp
 
 
 
 
 
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

...

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5