Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam

PHÂN BIỆT GIỮA CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT CỦA CÔNG ĐOÀN

Thứ Hai, 26/02/2024, 16:43

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật CĐ và Điều lệ CĐVN (Điều 28. Công tác KT, GS) đã chỉ rõ: KT, GS vừa là 1 trong những chức năng trong công tác lãnh chỉ đạo, vừa là nhiệm vụ quan trọng của BCH CĐ mỗi cấp, nhằm đảm bảo thực hiện Điều lệ, NQ và các quy định của tổ chức CĐ. Mỗi cấp CĐ phải tổ chức, tiến hành KT, GS ở cấp mình và chịu sự KT, GS của CĐ cấp trên.

Như vậy, kiểm tra, giám sát là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong công tác lãnh chỉ đạo của các cấp CĐ, đồng thời là một mặt của công tác CĐ, do BCH CĐ chỉ đạo và tổ chức thực hiện cùng với các mặt công tác khác như: công tác bảo vệ, chăm lo cho NLĐ, công tác tổ chức, công tác tuyên truyền giáo dục, tham gia quản lý, tài chính...
 
Kiểm tra, giám sát là để tiếp cận và đánh giá hiệu quả các hoạt động chính trị - xã hội của CĐ. Kiểm tra, giám sát có đặc trưng là chỉ ra cái đúng - cái sai, cái hợp lý - cái bất hợp lý, cái hiệu quả - cái kém hiệu quả,...; kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo, là hoạt động thường xuyên của người lãnh đạo, cho nên, kiểm tra, giám sát được coi là biện pháp cơ bản, thường xuyên, là nội dung chủ yếu của việc tiếp cận và đánh giá hoạt động của tổ chức CĐ.
 
Tuy nhiên, hiện nay, có sự hiểu chưa rõ ràng, chính xác về KT, GS; có cán bộ công CĐ lại hiểu 2 khái niệm đó là 1. Trong bài viết này, tôi muốn làm rõ 2 khái niệm, để có sự thống nhất trong nhận thức và hoạt động của CBCĐ và tổ chức CĐ các cấp, nhằm thực hiện tốt , có hiệu quả công tác KT, GS trong hệ thống CĐ toàn ngành.
 
Trước hết chúng ta đi tìm hiểu về 2 khái niệm này:
 
1. Kiểm tra
 
Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng năm 2002) và Từ điển Luật học (NXB Từ điển bách khoa năm 1999), thì “Kiểm tra” là hoạt động xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét.
 
2. Giám sát
 
Giám sát là sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, đảm bảo cho pháp luật được tuân theo nghiêm chỉnh.
 
Công tác kiểm tra và công tác giám sát của tổ chức CĐ là hai công tác độc lập, có nhiều điểm tương đồng, do vậy cần phân biệt rõ nội dung, phương pháp của công tác kiểm tra và công tác giám sát để thực hiện có chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, chỉ đạo của BCH CĐ các cấp.
 
Kiểm tra là việc CĐ các cấp xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của CĐ cấp dưới và CB, CĐ viên trong việc chấp hành Điều lệ CĐVN, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của CĐ, của tổ chức CĐ và pháp luật của Nhà nước.
 
Giám sát là việc CĐ các cấp theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để CĐ cấp dưới và CB, CĐ viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ CĐVN, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của CĐ, của tổ chức CĐ và pháp luật của Nhà nước.
 
3. Công tác kiểm tra và công tác giám sát có những điểm giống và khác nhau cơ bản như sau:
 
3.1. Giống nhau
 
- Mục đích của công tác kiểm tra và giám sát đều nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành CĐ, góp phần xây dựng CĐ vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác CĐ.
 
- Đều là hoạt động của CĐ, do Ban Chấp hành CĐ lãnh đạo, chỉ đạo; được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, ủy ban kiểm tra và các cơ quan của CĐ thực hiện.
 
- Về nội dung: đều là việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chủ trương, quy định của CĐ; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ CĐ, đoàn viên.
 
- Về đối tượng: tổ chức CĐ, cán bộ, đoàn viên chịu sự kiểm tra, giám sát.
 
3.2. Khác nhau
 
- Về mục đích:
 
+ Giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ lúc mới manh nha. Giám sát giúp đối tượng được giám sát thực hiện đúng quy định, quy chế; phát hiện, góp ý, phản ánh, đề xuất; giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm là chính. Qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra. Sau giám sát có thông báo kết quả giám sát. 
 
+ Kiểm tra để làm rõ đúng, sai. Sau khi kiểm tra phải ra kết luận và xử lý. Có thể có vi phạm rồi mới kiểm tra; có vụ việc đã qua nhiều năm mới kiểm tra để làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm (nếu có) để xử lý.
 
- Về đối tượng:
 
+ Trong hoạt động kiểm tra: cán bộ, đoàn viên, các cấp CĐ vừa là đối tượng kiểm tra vừa là chủ thể tự kiểm tra.
 
+ Trong hoạt động giám sát: cán bộ, đoàn viên, các cấp CĐ chỉ là đối tượng giám sát và chỉ trở thành chủ thể giám sát khi được tổ chức CĐ có thẩm quyền phân công giám sát một đối tượng khác.
 
- Về phương pháp và hình thức: 
 
+ Giám sát là hoạt động thường xuyên không cần tổ chức thành cuộc, không theo quy trình thẩm tra, xác minh; không xem xét thi hành kỷ luật mà chỉ thông qua theo dõi, quan sát để phát hiện vấn đề, phản ánh với tổ chức và cá nhân có thẩm quyền, nhằm kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa khuyết điểm (nếu có), tránh để xảy ra vi phạm; trong quá trình giám sát, đa phần các tổ chức, cá nhân chịu giám sát vẫn hoạt động, sinh hoạt bình thường.
 
+ Kiểm tra bắt buộc phải tiến hành theo quy trình, thành lập tổ hoặc đoàn kiểm tra; coi trọng các biện pháp nghiệp vụ để thẩm tra, xác minh; sau kiểm tra có kết luận kiểm tra, có đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) và xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu vi phạm đến mức cần xử lý); trong quá trình kiểm tra, theo quy trình tổ chức hoặc người có thẩm quyền có thể yêu cầu hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động, sinh hoạt CĐ của tổ chức, cá nhân bị kiểm tra để tạo điều kiện cho việc xác minh làm rõ.
 
Về phương pháp, kiểm tra có tự kiểm tra, giám sát không có tự giám sát. Kiểm tra và giám sát đều dựa trên phương pháp công tác CĐ, không áp dụng các phương pháp của cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động của CĐ.
Vậy thì nhìn chung, công tác kiểm tra của CĐ và giám sát của CĐ có những điểm khác biệt nhất định, có thể phân biệt thông qua những tiêu chí sau đây:
 
 
 
 
Như vậy, giám sát và kiểm tra khác nhau và được phân biệt ở hai đặc trưng cơ bản:
 
Thứ nhất, về thời điểm trong giám sát, chủ thể phải có mặt thường xuyên, liên tục theo dõi bên cạnh đối tượng và công việc đang tiến hành, đang diễn ra để kịp thời đưa ra những nhắc nhở, khuyến cáo, đề nghị, hỗ trợ tạo điều kiện cho đối tượng chấp hành đúng với quy định.
 
Nhưng sau khi sự việc đã kết thúc, hoặc việc đã, đang thực hiện nhưng có biểu hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm cần được kiểm tra làm rõ để kịp thời uốn nắn, sửa chữa, quy trách nhiệm, xử lý sai phạm.
 
Không giám sát chuyên đề đối với những việc đã được thực hiện xong, hay nghị quyết, chỉ thị đó đã thực hiện và vẫn còn tổ chức thực hiện trên thực tế chưa được tổng kết thì vẫn không nên đưa vào giám sát chuyên đề mà phải tổ chức kiểm tra; có như vậy mới đánh giá đúng thực chất toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện và đưa ra những giải pháp lãnh đạo phù hợp hơn trong thời gian tới. Trường hợp này mà đưa vào tổ chức giám sát thì chỉ nắm hoạt động chấp hành từ thời điểm hiện tại mà không thể biết được kết quả thực hiện trước đó đúng, sai, những ưu khuyết điểm, trách nhiệm thuộc về ai… nên không thể đưa ra được phương hướng chỉ đạo.
 
Ngược lại, chỉ giám sát chuyên đề đối với những nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận đang tổ chức thực hiện trên thực tế và BCH CĐ phải có kế hoạch ngay từ đầu năm, thông báo cho đối tượng được giám sát biết ngay từ đầu và định ra mốc thời điểm giám sát tập trung theo dõi hoạt động của tổ chức CĐ và đoàn viên, kịp thời phát hiện điều chỉnh ngay những biểu hiện chấp hành chưa đúng, chưa đầy đủ, hay có vấn đề thì tiến hành tổ chức kiểm tra để làm rõ.
 
Thứ hai, về mục đích, cách làm. Kiểm tra chỉ khi có vấn đề (chậm trễ, chưa đạt, khó khăn, vướng mắc…) hay dư luận trong tổ chức thực hiện để làm rõ, tìm ra ưu, khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, chủ quan từ đó đề ra hướng xử lý, khắc phục, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Kiểm tra phải thẩm tra, xác minh, đối chiếu, so sánh cho ra vấn đề.
 
Giám sát là hoạt động thường xuyên, liên tục chỉ để xem xét hoạt động chấp hành của tổ chức CĐ, đoàn viên với các quy định để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện cho đúng, để sao cho kết quả thực hiện là tốt nhất, không cần phải thẩm tra xác minh gì cả, chỉ cần theo dõi, xem xét quá trình tổ chức thực hiện của tổ chức CĐ và đoàn viên cũng đủ để tác động điều chỉnh ngay.
 
Giám sát chuyên đề cần có trọng tâm và phải xác định ngay từ đầu gửi cho đối tượng giám sát biết.
 
BCH CĐ muốn nắm bắt được một cách sâu sắc để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế thì đưa nội dung đó vào tiến hành kiểm tra.
 
BCH CĐ các cấp chủ động xác định rõ mục đích, yêu cầu ngay từ đầu thì sẽ xác định trúng, đúng nội dung cần xây dựng kế hoạch kiểm tra hay giám sát chuyên đề.          
 
4. Mối quan hệ giữa kiểm tra và giám sát trong tổ chức CĐ
 
- Tuy giữa giám sát và kiểm tra có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau, nhưng chúng có mối quan hệ khăng khít, đan xen, tác động qua lại lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Muốn thực hiện tốt việc giám sát thì phải có theo dõi, xem xét thực tế của đối tượng được giám sát; muốn thực hiện tốt việc kiểm tra thì phải thường xuyên thực hiện việc giám sát.
 
- Công tác kiểm tra và công tác giám sát là thống nhất nhưng không đồng nhất. Giám sát và kiểm tra có nội hàm gần gũi nhau; trong công tác giám sát có một phần nội dung kiểm tra và trong công tác kiểm tra có một phần nội dung giám sát. 
 
- Công tác giám sát là tiền đề cho công tác kiểm tra. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện đối tượng giám sát có thiếu sót, khuyết điểm, chủ thể giám sát kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, đề nghị thực hiện đúng các quy định, ngăn chặn vi phạm từ lúc còn manh nha. Ngược lại qua kiểm tra có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phát hiện những khâu, những việc để xảy ra sai phạm nhiều, từ đó định hướng cho công tác giám sát sâu hơn, đánh giá chính xác hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả hơn.
 
- Giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm…
 
Trong thực tế, kiểm tra, giám sát luôn được sử dụng như một cụm từ gắn liền với nhau để làm rõ hơn chức năng và bản chất của công tác kiểm tra, giám sát của CĐ. Kiểm tra, giám sát là những điều kiện cần và đủ cho việc ra chủ trương, nghị quyết và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết được đúng đắn. Việc tách bạch công tác kiểm tra và công tác giám sát chỉ là tương đối.
 
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của CĐ phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để răn đe và giáo dục. Đề cao trách nhiệm của tổ chức CĐ và đoàn viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp CĐ trong công tác kiểm tra, giám sát.
Mai Thành Phương
 
 
 
 
 
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

...

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5